Chắp cánh cho sản phẩm mang thương hiệu Quảng Trị 

Nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp góp phần quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Năm 2017, tổng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra (GSS2010) ước tính đạt 8.264,9 tỷ đồng, đóng góp khoảng 47,6% GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 35.500 lao động.

Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 280 - 300 doanh nghiệp thành lập mới, 30 - 40 doanh nghiệp giải thể, 45 - 50 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt 3.257 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, doanh nghiệp có quy mô vừa là 2.117 doanh nghiệp, chiếm 65%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ là 714 doanh nghiệp, chiếm 22%, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có 426 doanh nghiệp, chiếm 13%. Có 105 doanh nghiệp và 19 dự án được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh về đào tạo nghề, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng, ưu đãi đầu tư. Tổng giá trị hỗ trợ ưu đãi trong giai đoạn 2011 - 2017 là 21.875 triệu đồng.

Tổng hợp theo lĩnh vực ngành nghề, các doanh nghiệp đăng ký hiện nay tập trung khai thác lĩnh vực: công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp thủy sản, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại, y tế, giáo dục đào tạo... Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đến cuối năm 2017, ước đạt 1.758 doanh nghiệp, chiếm 54% doanh nghiệp đang hoạt động; lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 326 doanh nghiệp, chiếm 10%; lĩnh vực xây dựng ước đạt 651 doanh nghiệp, chiếm 20%; số doanh nghiệp còn lại hoạt động trên các lĩnh vực khác.

Theo đánh giá từ Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2021, trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phong trào khởi nghiệp của người dân, nhất là lứa tuổi thanh niên có nhiều khởi sắc, nhiều bạn trẻ tham gia khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh online với nhiều mô hình khá thành công, bước đầu tạo dựng được thương hiệu như các sản phẩm tự làm bằng tay - handmade, thực phẩm; các mô hình trồng dược liệu, trang trại chăn nuôi tập trung, trang trại tổng hợp; các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ... Tỉnh đã ban hành một số chính sách thông qua cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu như cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn, nuôi trồng thủy sản...

Thực tế cho thấy, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, chắp cánh thương hiệu Quảng Trị, trước hết rất cần sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong các hoạt động xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ, đồng hành với các cá nhân, doanh nghiệp.

 Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính đã được Tỉnh quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm cải cách hành chính như: Phần mềm một cửa điện tử, Phần mềm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, ứng dụng chữ ký số,... để giám sát, kiểm tra góp phần nâng cao tính hiệu quả, toàn diện, kịp thời của công tác cải cách hành chính. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến giao dịch các thủ tục hành chính được công khai, nhanh chóng. Đôn đốc các cơ quan trực thuộc, đặc biệt là 07 cơ quan có liên quan đến điểm số chi phí không chính thức như Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong tiếp nhận và trả hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, xuất nhập cảnh hàng hoá, đăng ký kinh doanh.

 Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động tối đa nguồn lực bên ngoài, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế là chủ trương xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trong những năm gần đây và đang được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể, quyết liệt, với nhiều cam kết mạnh mẽ về hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi với nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức đối thoại công khai định kì với cộng đồng doanh nghiệp, triển khai mô hình cà phê doanh nhân để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển doanh nghiệp: Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường….

Để có thêm cơ hội cho phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thương hiệu, các ngân hàng thương mại đã có chính sách phát triển khách hàng thông qua lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa có những chính sách cụ thể, sát hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mà chỉ mới dừng lại ở những giải pháp hành chính của các ngành, nên việc tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa nhiều. Thời gian tới tỉnh sẽ có những chính sách địa phương thật rõ ràng, cụ thể đối với doanh nghiệp như: Hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để dễ dàng tiếp cận với vốn vay ngân hàng (như chính sách cấp bù lãi suất phát triển cao su tiểu điền của những năm 2000 mà tỉnh đã thực hiện); các chính sách về nuôi dưỡng nguồn thu như hỗ trợ để doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, vinh danh đơn vị, cá nhân nộp thuế (trong đó có nữ doanh nhân) theo nhiều thứ bậc để khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp phấn đấu vươn lên, cải thiện thứ hạng của doanh nghiệp, vì những chính sách này có tác dụng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp - loại tài sản vô hình nhưng mang lại lợi thế lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng lợi thế như du lịch, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao cần có chính sách về bù lãi suất, về giá thuê mặt bằng, về tích tụ ruộng đất, hỗ trợ công nghệ. Ngoài ra, tỉnh tổ chức các chương trình đối thoại như “sàn giao dịch” giữa nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp doanh nghiệp, xây dựng các dự án để kêu gọi đầu tư thay cho hình thức xúc tiến đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính theo phương thức cơ quan hành chính đến với doanh nghiệp khi doanh nghiệp cần thực hiện các gói dịch vụ về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đi lại nhiều lần, nhiều ngày chờ đợi giải quyết và dành thời gian đó cho điều hành sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực với nhiều cơ hội, thách thức mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Với mục tiêu xây dựng Đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập doanh nghiệp ở tỉnh đang gặp phải, phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khuyến khích khởi nghiệp, ngày 13/3/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã chủ trì tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 – 2021. Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đưa ra ba nhóm giải pháp chính, bao gồmNhóm 1 - Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp; Nhóm 2 - Nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế; Nhóm 3 - Nhóm giải pháp khác, như cân đối, bố trí nguồn lực để doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ… Hy vọng tới đây, tỉnh sẽ có những chính sách mới có tác động lớn để hỗ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, chắp cánh cho thương hiệu Quảng Trị đi xa hơn, bền vững, để hướng đến “doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển” - góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI./ Quang Hóa

 

596 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 639
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 639
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76766710