Cắt giấy phép: Lo ngại cán bộ cản đà cải cách 

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định nhiều điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên ý kiến chuyên gia lo ngại một số cán bộ có thể cố tình để xảy ra một số vụ việc "bê bối" sau khi điều kiện kinh doanh được bãi bỏ.
Buổi Toạ đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương” diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Tôi chưa thấy bộ nào tự nguyện và chủ động cắt giảm"

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

Thậm chí, người đứng đầu ngành Công Thương còn khẳng định: "Việc rà soát, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này chỉ là mở đầu cho công tác cải cách của Bộ. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục, không phải việc làm theo năm theo tháng".

Nỗ lực này của Bộ Công Thương đã được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá rất cao trong buổi Toạ đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương” diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức.

"Như chúng ta đều biết, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là một giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bấy lâu nay đây là vấn đề nhức nhối, làm gia tăng khó khăn khi gia nhập thị trường, triệt tiêu các sáng kiến trong kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh... Chúng tôi đánh gía rất cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này, rất nhiều vướng mắc trong ngành Công Thương đã tồn tại từ nhiều năm nay mà đã được giải quyết như: bỏ quy định kiểm tra fomaldehyt cho hàng dệt may hay việc dán nhãn năng lượng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt một thời gian dài.

Tôi chưa thấy Bộ, ngành nào chủ động và tự nguyện cắt giảm điều kiện kinh doanh như Bộ Công Thương", ông Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Lấy ví dụ rõ hơn về việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, đã bãi bỏ không yêu cầu doanh nghiệp sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51 % đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa.

Động thái này của Bộ Công Thương được TS. Cung đánh giá rất tích cực. Khi giảm các điều kiện về yêu cầu vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp (ở đây là phương tiện vận tải xăng dầu nội địa) thì doanh nghiệp có thể đi thuê phương tiện của một cơ sở khác, và bằng cách này, sẽ tạo ra thêm ngành nghề mới.

"Chúng ta cắt giảm điều kiện để giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp và có cơ chế chia sẻ rủi ro trong kinh doanh bằng cách này hay cách khác. Như vậy, nếu doanh nghiệp có thua lỗ thì cũng mất ít hơn, khả năng hồi phục lại cũng nhanh hơn. Chưa kể đến việc chi phí kinh doanh giảm đi thì giá cả mặt hàng đó cũng giảm xuống. Điều này tác động lan toả tới nền kinh tế và là yêu cầu rất quan trọng mà lâu nay ta ít suy nghĩ đến", TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

"Hứa bãi bỏ là chắc chắn sẽ bỏ"


Tuy vậy, chuyên gia này cũng mong muốn việc cắt giảm của Bộ Công Thương cần nhiều hơn nữa, nhất là những điều kiện làm giảm số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường trong lĩnh vực mà bộ quản lý.

Dẫn chứng những nghi ngại của người dân và doanh nghiệp về khả năng có thể mọc thêm các giấy phép con, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh đến tư duy và cách thức quản lý. Đó là, nếu tư duy không thay đổi, chưa đặt niềm tin vào doanh nghiệp thì khả năng "mọc" thêm các giấy phép con sẽ rất cao, nhất là khi một sự việc nào đó vấp phải những phản ứng của dư luận.

Thậm chí, chuyên gia này còn "lo sợ" một xu hướng đi ngược lại hoặc cố tình gây ra thất bại của một số cán bộ có thể mất quyền mất lợi do thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tức là sau khi chuyển sang hậu kiểm, họ có thể cố tình để xảy ra một số vụ việc "bê bối" và khiến dư luận nghi ngại hiệu quả của việc hậu kiểm.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, khi điều kiện kinh doanh xóa bỏ thì không một nơi nào có thể đòi hỏi thêm các giấy phép con, việc kiểm tra phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn đã được lượng hóa bằng các quy định của pháp luật một cách công khai, minh bạch và hơn nữa là giúp loại bỏ được một số công chức có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh còn nhấn mạnh thêm, cơ bản nhất là phải thay đổi được tư duy quản lý.

"Đối với lo ngại của TS.Nguyễn Đình Cung về việc khi có sự cố thì cơ quan quản lý đứng đâu, tôi cho rằng ta phải nhìn theo cách khác. Các bộ ngành quản lý ở Trung ương không thể quản lý được hết 63 tỉnh thành. Vì thế, khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cần phải truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và vai trò của địa phương là rất lớn", Thứ trưởng Khánh nói.

Đối với ý kiến phản ánh rằng trong số 675 điều kiện kinh doanh sắp được loại bỏ trên có không ít điều kiện bị trùng lắp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong quá trình rà soát và thực hiện có 18 điều kiện bị trùng lắp và đây là lỗi của các đơn vị trong Bộ Công Thương. Tuy nhiên "những điều kiện Bộ Công Thương cam kết bãi bỏ là chắc chắn sẽ bãi bỏ".

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chậm nhất là 30/11, các văn bản sửa đổi điều kiện kinh doanh sẽ được cơ quan chức năng trình Chính phủ để thông qua, từ đó tạo sức lan tỏa lớn hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.
 

Phan Trang
330 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 729
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 729
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76372930