Đó là thông tin được đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở đưa ra tại Hội nghị “Đánh giá kết quả kiểm trao đổi kinh nghiệm về thực hiện QCDC ở cơ sở Cụm các tỉnh Bắc Trung bộ” do Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức vào chiều ngày 14/11 tại Thanh Hóa.

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: Kim Cương)


Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC cơ sở; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương.

Theo đồng chí Hà Ngọc Anh, từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền,  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội 6 tỉnh trong Cụm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Chính quyền các cấp đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”. Công tác tiếp dân có chuyển biến rõ nét và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số tỉnh có cách làm linh hoạt, sáng tạo, như: Nghệ An, năm 2019 đã tổ chức 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại lớn nhất trên địa bàn tỉnh, giữa Thường trực Tỉnh ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị, trấn với hơn 1034 đại biểu; giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh với hơn 800 đại biểu; Thanh Hóa, từ 2016 đến nay, UBND các cấp đã tổ chức được 750 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp; Hà Tĩnh lồng ghép, kết hợp tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, UBND, HĐND tỉnh thành một cuộc (3 trong 1) được tiến hành trong một ngày... Thông qua đó, góp phần xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất và bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn là việc tổ chức công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;… đã tạo ra động lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh các tỉnh trong Cụm. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở xã, phường, thị trấn cũng tiếp tục góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng dân chủ, cụ thể, bám sát thực tiễn, khắc phục biểu hiện quan liêu, cửa quyền, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Việc triển khai và thực hiện “Năm dân vận chính quyền” được các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục quan tâm, đã đề ra nhiều giải pháp tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Việc thực hiện QCDC trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy dân chủ, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc cũng đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; ổn định đời sống, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Kim Cương)

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng còn một số tồn tại, cần sớm khắc phục, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa sâu rộng, còn hình thức, hiệu quả chưa cao; có nơi đang dừng lại ở cán bộ, đảng viên, chưa đến được với nhân dân. Vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi chưa phát huy đầy đủ. Một số cơ sở chậm xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở. Thực hiện QCDC cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo tại một số địa phương có thời điểm còn xảy ra thiếu sót, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, phần lớn không có quy chế và hoạt động tùy tiện; việc chấp hành pháp luật về lao động còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các loại hình bảo hiểm cho người lao động còn thấp, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể còn mang tính chất đối phó, có nội dung không có lợi cho người lao động. Tình trạng lợi dụng dân chủ để tụ tập, lôi kéo, gây mất trật tự, mất đoàn kết nội bộ, tạo tình hình phức tạp, gây bất ổn ở một số nơi còn xảy ra.

Một số cán bộ, công chức, viên chức còn có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, làm khó doanh nghiệp, người dân. Một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân dẫn đến đơn thư có xu hướng gia tăng, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai; một số địa phương chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng chậm, để xảy ra khiếu kiện tập trung đông người, tạo tiềm ẩn phức tạp tình hình ở cơ sở…

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, theo Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở; nhất là đến các đối tượng nhân dân là người dân tộc thiểu số, vùng sâu và trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở, đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Rà soát và có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hương ước, quy ước đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đẩy mạnh thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, quan tâm thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Đồng thời gắn việc thực hiện QCDC với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới. Đẩy mạnh triển khai các nội dung của “Năm dân vận của chính quyền” trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân; tăng cường đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở các cấp gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách địa phương và các lĩnh vực; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thực hiện QCDC cho các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cấp huyện và cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, chú trọng ở những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thước đo lớn nhất trong thực hiện QCDC ở cơ sở đó là sự phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ bản, thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính quyền về công tác dân vận ngày càng rõ hơn; dân chủ mở rộng hơn, đã tạo sự thúc đẩy cả bộ máy vào cuộc. Pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn với tinh thần là vì lợi ích của nhân dân...Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, chính vì vậy, việc triển khai thực hiện cần phải thực thi theo đúng quy định, luật pháp của Nhà nước trên tinh thần vì nhân dân phục vụ. Cùng với đó, cần phải thực hiện tốt việc minh bạch hóa, công khai hóa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan tâm đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các xã, phường, các đơn vị sự nghiệp, nhất là trường học, cơ sở y tế…

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Kim Cương)


Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện QCDC ở cơ sở của 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Đồng chí nhấn mạnh: Trong những qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở của 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc phát huy vai trò làm chủ của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã đi vào nền nếp và chuyển biến tích cực hơn.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị 6 tỉnh Bắc Trung bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đến người dân sát thực tiễn cuộc sống; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện một cách đầy đủ, sâu sắc hơn các quy chế, quy định đã có về các loại hình thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ để thật sự phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, để người dân hiểu đầy đủ, có sự đồng thuận với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, chú trọng kiểm tra, giám sát ở những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… Cần tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.../.

Đặng Hiếu – Kim Cương