Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam”. Diễn đàn do Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức sáng 20/12, tại Hà Nội.

Tham dự Diễn đàn còn có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại sứ, tham tán thương mại của nhiều quốc gia tại Việt Nam,…

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: BT)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhờ từng bước thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Trong đó, dưới tác động của quá trình thực thi cam kết WTO, đàm phán, thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) mới, đến nay, các luật, pháp lệnh có liên quan tới việc thực thi các cam kết WTO về cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số luật, pháp lệnh trên cơ sở nhu cầu nội tại của đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục chủ động, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, với nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp trong giai đoạn 2007-2017, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm) song mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh kể từ năm 2007, bổ sung đáng kể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2017 có hơn 18 nghìn dự án được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988-2006. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO.

Tính đến tháng 11/2017 có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu là những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA khu vực, trong đó có Hàn Quốc (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (15,5%) và Singapore (13,2%).

Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007-2017 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Có thể kể đến, mặc dù đã ban hành Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trong thực tế còn bất cập. Các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Một số chương trình, hoạt động chậm được cụ thể hóa, hoặc cụ thể hóa mà không tính đến chiều cạnh tương ứng của hội nhập kinh tế quốc tế.

Cải cách trong nước, nhất là về mặt thể chế vẫn chưa đáp ứng và chưa theo kịp các yêu cầu của việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đẩy mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế thì việc điều chỉnh chính sách trong không ít trường hợp còn chậm hoặc mang tính đối phó, chưa đồng bộ.

Đặc biệt, khả năng nhận định, đánh giá và dự báo về xu thế và diễn tiến hội nhập kinh tế chưa cao. Việc đánh giá thực hiện định kỳ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên kết quả rất hạn chế.

“Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế nhìn chung còn chưa cụ thể, nhất quán, đặc biệt là ở các địa phương. Một số chủ trương, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế chưa được lồng ghép chặt chẽ vào kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương dẫn tới thiếu quan tâm, điều phối thiếu hiệu quả” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mực độ cam kết ngày càng cao. Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải làm gì, phối hợp như thế nào dể tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: BT)

Cần có quyết tâm chính trị cao

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hội nhập của nước ta đạt được trong thời gian qua. Có thể kể đến đầu tư nước ngoài với 24 nghìn dự án, có tổng số vốn trên 320 tỷ USD giúp Việt Nam đạt được trình độ mới trong quản lý công nghệ sản phẩm, sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu; đồng thời ứng xử của khu vực đầu tư nước ngoài đã tốt hơn.

Đặc biệt, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và nhiều thị trường mới được mở ra. Về chất lượng, chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành sản phẩm đã hình thành ở Việt Nam. Lần đầu xuất khẩu rau củ quả vượt qua nhiều ngành khác, hay công nghiệp chế biến chế tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn xem hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để phát triển kinh tế, vì vậy việc tập trung tổ chức lại bên trong của nền kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều cần thiết. Từ việc tổ chức lại sản xuất, vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu đến tái cơ cấu thực chất nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy mạnh mẽ chính phủ kiến tạo để hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.

“Chúng ta cứ trì trệ mãi thì khó phát triển đất nước. Các rào cản thủ tục không cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân cần được bãi bỏ để cạnh tranh phát triển” – Thủ tướng khẳng định.

Nhấn mạnh tính đồng bộ trong hội nhập của nước ta còn yếu, Thủ tướng cho rằng đây là khuyết điểm mà Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần phát huy điều phối các bộ ngành địa phương để triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đó, cần rà soát lại các thoả thuận, cam kết quốc tế để đôn đốc các bộ ngành thực hiện cho tốt, định kỳ báo cáo Chính phủ. Một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo còn kém cần khắc phục ngay.

Thủ tướng cũng đề nghị cần có chính sách tốt hơn cho quá trình hội nhập, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch. Cần thấy lợi thế so sánh trong thị trường hiện nay để có chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng cho rằng, cần phát huy nội lực, giải quyết những vấn đề còn tồn tại về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị quốc gia và doanh nghiệp, khắc phục những khâu yếu. Cần có quyết tâm chính trị cao với sự sáng tạo nỗ lực của các bộ ngành, nếu không có quyết tâm cao, nửa vời sẽ thất bại. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng mong muốn các nhà nghiên cứu, cộng đồng quốc tế có nhiều kinh nghiệm tiếp tục ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, cùng góp ý cho Việt Nam nhằm phát huy những thế mạnh, khắc phục những tồn tại để Việt Nam có bước phát triển mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

BT ​