Cam kết trách nhiệm người đứng đầu, một giải pháp quan trọng để làm tốt công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý 

Nhằm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy và nâng cao tính chịu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, trong năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và bí thư cấp ủy các huyện, thị, thành uỷ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những điểm mới trong công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2017.

Không cam kết chung chung mà đề ra các nhiệm vụ, đầu việc cụ thể.

Ngay từ đầu năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy các huyện, thị, thành ủy xác định các nội dung trọng tâm, cụ thể cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong năm 2017, đăng ký cam kết thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trên cơ sở nội dung tự đăng ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và bí thư cấp ủy các huyện, thị, thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất nội dung bản cam kết của các đơn vị, trong đó xác định rõ nội dung cam kết gồm: (1) Thực hiện nghiêm túc Bản đăng ký thực hiện trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp uỷ. (2) Thực hiện một số yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao trong năm 2017, trong đó có Kết luận số 49-KL/TU, ngày 6/3/2017, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ, công tác trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2017; căn cứ tình hình thực tế của địa phương chọn 2-3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ địa phương cần tập trung chỉ đạo giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy.

Các địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá các nhiệm vụ được giao. Nhiều Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện như Hải Lăng, Đakrông, thành phố Đông Hà… đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp uỷ các xã, phường, thị trấn; người đứng đầu Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban đảng, Văn phòng huyện uỷ, Trung tâm BDCT huyện với Ban Thường vụ huyện uỷ; chỉ đạo đảng uỷ các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết trách nhiệm của chi bộ và người đứng đầu cấp uỷ với đảng uỷ xã; chỉ đạo UBND huyện tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn với UBND huyện, qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến huyện về việc nêu cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017. Một số huyện như Gio Linh, Cam Lộ có Kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trong Ban thường vụ huyện uỷ, các Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung cam kết với Ban Thường vụ huyện uỷ; tổ chức ký cam kết của các đồng chí huyện uỷ viên với Ban Thường vụ huyện uỷ về thực hiện nhiệm vụ năm 2017 theo chức trách, ngành, lĩnh vực quản lý được giao. Công khai nội dung cam kết của đồng chí Bí thư huyện ủy đến tận chi bộ để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia giám sát, là cách làm hay của huyện Cam Lộ. Tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2017 sát với nội dung cam kết nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Gắn trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ cấp ủy với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tuân thủ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong chỉ đạo thực hiện các nội dung cam kết. Đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt hơn, hiệu quả công tác được nâng lên. Việc xác định rõ các nội dung cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “chìa khóa” để các địa phương chọn việc, chọn điểm, tạo điểm nhấn, sức bật mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.

Một trong những nội dung được xác định là điểm nhấn trong thực hiện cam kết của Ban Thường vụ và người đứng đầu thành ủy Đông Hà là chỉ đạo tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất canh tác tự nhiên, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các phường ven đô gắn với tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố. Ban Thường vụ Thành uỷ đã xây dựng và  chỉ đạo thực hiện đề án phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020; trong năm 2017 đã hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu “Rau an toàn Đông Hà”, “Hoa An Lạc - Đông Giang”; hoàn thành giai đoạn 1 mặt bằng vùng trồng hoa chậu tập trung ở phường Đông Giang (01 ha) và cơ bản hoàn thành mô hình trồng rau trong nhà lưới tại phường Đông Thanh (500 m2). Đã hoàn thành và tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích trồng rau sạch, cánh đồng mẫu lớn; chủ động kế hoạch hợp tác mạng lưới giải quyết đầu ra tiêu thu sản phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố. Hay như đối với huyện Gio Linh, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi sinh kế cho nhân dân vùng biển; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp có hiệu quả cao, xây dựng các mô hình liên kết hộ. Phát huy vai trò hợp tác xã trong sản xuất hàng hoá và tiêu thụ sản phẩm, theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để xây dựng các mô hình kinh tế trên vùng cát, góp phần chuyển đổi sinh kế cho Nhân dân vùng biển, bao gồm: 10 mô hình nuôi bò; 04 mô hình chăn nuôi lợn; 01 mô hình trồng ném; 01 mô hình trồng lạc; 01 mô hình trồng nấm; 02 mô hình nuôi chim yến; 01 mô hình nuôi cá, cua xen ghép; 01 mô hình nuôi gà; 01 mô hình nuôi cá lồng. Mặt khác, Huyện đã phối hợp với tỉnh tổ chức thực hiện tốt việc quan trắc đánh giá môi trường biển; làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, tổ chức ngày hội ra quân đánh cá vụ nam và các hoạt động khác để khởi động lại hoạt động của các dịch vụ tắm biển. Mùa hè vừa qua, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm biển đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường, lượng khách về tắm biển tăng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học và công tác tuyên truyền, tư vấn, xúc tiến lao động xuất khẩu cho lao động vùng biển, đã tổ chức được 11 lớp dạy nghề cho lao động vùng biển với 295 lượt người, xuất khẩu 170 lao động. Hai điểm nhấn cam kết của huyện Triệu Phong với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được huyện triển khai chỉ đạo đầy quyết tâm, trong đó đã tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng công nghệ cao, phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất nông sản hữu cơ, như: mô hình lúa hữu cơ, đã xây dựng được 23,5ha lúa mô hình canh tác tự nhiên; mô hình rau màu trái vụ; chuyển đổi 41ha rừng sang trồng dứa và cây dược liệu tại xã Triệu Ái và Triệu Thượng. Tìm kiếm, kết nối thị trường và giới thiệu sản phẩm gạo sạch Triệu Phong tại các hội chợ và thành phố Hồ Chí Minh; thành lập HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên; đăng ký thương hiệu gạo sạch Triệu Phong. Thành lập HTX kinh doanh chăn nuôi gà vùng gò đồi tại Triệu Thượng. Tích cực triển khai Đề án tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân vùng biển. Đến nay, đã xây dựng 9 mô hình trồng cỏ nuôi bò, 21 mô hình nuôi gà thả vườn, kết hợp trồng trọt, 16 mô hình nuôi lợn sinh sản, 8 mô hình nuôi lợn thịt, cá, chăn nuôi tổng hợp, 10 mô hình trồng ném kiệu, mướp ở 64 hộ, nhóm hộ, giải quyết việc làm cho 139 lao động, tạo phong trào thi đua lao động sản xuất trong nhân dân. Cũng là năm huyện triển khai thử nghiệm Tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên địa bàn, với các điểm đến Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - quần thể đi tích Chúa Nguyễn Hoàng - quần thể di tích Thành Cổ - Khu di tích Tổng Bí thư Lê Duẩn - Chợ Sãi và nghệ thuật ẩm thực chợ Sãi; qua hơn 10 tháng triển khai thử nghiệm số lượng khách tham gia Tour đến thời điểm hiện tại là 300 người. Hiện nay, huyện  đang chỉ đạo phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh, các đơn vị lữ hành để có giải pháp thực hiện hiệu quả tuor du lịch; đồng thời, triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030…

 Hiệu quả từ cam kết

Việc thực hiện các nội dung cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy được Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy triển khai thực hiện tích cực, có nhiều sáng tạo sáng tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà những năm trước đạt chưa vững chắc thì nay đã có những chuyển biến tốt hơn. Nét mới của các huyện như Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh… trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đó là: đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chọn được mô hình sản xuất có giá trị kinh tế gắn với liên kết để tạo ra chuỗi giá trị và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế ở vùng biển, gò đồi, vùng cát, xác định được các loại cây con chủ lực của địa phương. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chuyển dịch một bộ phận lao động từ nông nghiệp sang Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị đã chủ động làm việc với một số tỉnh, thành bạn và các Bộ, ngành TW để tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Một số vụ việc, đơn thư tồn đọng, kéo dài được tập trung giải quyết, trong đó đồng chí bí thư cấp ủy đã trực tiếp đối thoại với dân, doanh nghiệp, nắm tình hình để chỉ đạo giải quyết, vì vậy hiệu quả giải quyết được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh làm tốt công tác chính trị tư tưởng, việc tổ chức học tập và nghiên cứu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đổi mới, thiết thực hơn; công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ được chú trọng ngay từ khâu tuyển chọn đến nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ bước đầu có chuyển biến mới; công tác dân vận, kiểm tra, giám sát kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, công tác nội chính có nhiều tiến bộ, khắc phục được sự chây ì trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm túc triển khai Diễn đàn sinh hoạt chi bộ để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa trên cơ sở 27 dấu hiệu mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện. Một số đảng bộ huyện đã phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu về xây dựng Đảng mà trong một thời gian dài thực hiện rất khó khăn ( như chỉ tiêu phát triển đảng viên, xóa chi bộ ghép; xóa thôn trắng đảng viên). Huyện Cam Lộ trên tinh thần cam kết trong năm 2017 đã giải quyết dứt điểm tình trạng thôn trẳng đảng viên.

 Qua 01 năm thực hiện cho thấy, việc ký cam kết trách nhiệm đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của Ban Thường vụ cấp uỷ và người đứng đầu cấp ủy các cấp về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, khơi dậy tính chủ động, chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp, tạo sự lan tỏa đến cấp dưới và toàn hệ thống chính trị. Việc xác định rõ các nội dung cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “chìa khóa” để các địa phương chọn việc, chọn điểm, tạo điểm nhấn, sức bật mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.

Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Đảng bộ địa phương nói chung, thực hiện cam kết nói riêng đã minh chứng sống động cho tinh thần hành động, nói đi đôi với làm; khắc phục được tình trạng nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp; không nắm chắc tình hình ở địa phương mình; thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân; khắc phục tình trạng người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa “bắt tay vào làm” cùng với cơ sở. Việc thực hiện các nội dung cam kết góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, đánh giá chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Một số vấn đề đặt ra

Việc thực hiện ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp uỷ là  vấn đề mới, lần đầu tiên thực hiện ở tỉnh Quảng Trị, vì vậy, việc triển khai thực hiện còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết, chưa xem đó là tiền đề quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, do vậy việc triển khai còn thiếu còn lúng túng, có mặt còn hời hợt, hình thức; chưa đề ra được biện pháp, giải pháp tích cực để thực hiên, thiếu phân công trách nhiệm gắn với lộ trình cụ thể để thực hiện  nên chất lượng và hiệu quả còn hạn chế, có một số việc chưa hoàn thành hoặc kết quả chưa rõ nét. Một số nội dung cam kết vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, một số nội dung Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao có tính dài hơi, không thể hoàn thành trong năm 2017 nên không đánh giá chính xác hiệu quả thực hiện cam kết. Chưa có chế tài xử lý khi chưa thực hiện tốt cam kết cũng là một vấn đề đặt ra.

Việc thực hiện cam kết trách nhiệm của ban thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy các huyện, thị, thành ủy với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tuy mới thực hiện trong phạm vi đối tượng là ban thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy của 10 huyện, thị, thành ủy nhưng kết quả đạt được cho thấy, đây là một chủ trương phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả trong chỉ đạo; là một trong những giải pháp quan trọng để đánh giá đúng vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cần được nhận rộng đến tất cả các đối tượng là người đứng đầu các ngành, các địa phương.

 Để thực hiện tốt cam kết, cần rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định về cơ chế trách nhiệm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cần có Quy định về xử lý trách nhiệm  đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi không thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã cam kết.

Sự cam kết vốn không hình thù, không màu sắc, nhưng có vai trò rất quan trọng. Khi nhắm tới một mục tiêu nào đó của một địa phương, đơn vị, sự cam kết nhiều khi được nhìn nhận là yếu tố tiên quyết để hướng tới thành công. Thực tiễn chứng minh, có cam kết trách nhiệm thì buộc người đứng đầu trước hết phải sâu sát, nắm bắt tình hình cơ sở, tương tác với người dân, không vô cảm với những khó khăn, bức xúc của nhân dân..., từ đó mới có thể quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi lĩnh vực, công việc được phân công vốn luôn phát sinh những vấn đề từ thực tiễn. Và chỉ khi người đứng đầu gương mẫu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời có các chế tài giám sát, xử lý trách nhiệm thì việc “nói đi đôi với làm” mới được thực hiện nghiêm và hiệu quả, niềm tin của người dân với Đảng mới được củng cố, bồi đắp và nhân lên.

                                                                                                                               - Nguyễn Thị Hải Yến-

6795 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 630
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 630
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76374712