Ngày 15/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức Hội nghị quốc tế "Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng".

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione; Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) Michael Greene và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung. Hơn 300 đại diện từ các bộ, ngành địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về cải thiện môi trường kinh doanh (Ảnh: HNV)

Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về kết quả cải cách, những vấn đề còn tồn tại và tìm kiếm các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, về các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics nhằm hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cũng dịp này, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Thống kê giai đoạn 2014-2017, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả này được phản ánh cụ thể qua kết quả xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó  Moody’s và Fitch nâng xếp hạng từ ổn định lên tích cực.

Hội nghị thu hút gần 300 đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP trong 4 năm qua cho thấy vẫn còn có sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Do vậy, góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt và theo dõi sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng tới 14 bậc. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, năm 2018, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, do vậy, dự thảo Nghị quyết 19/2018 hiện nay đang được gửi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương với các trọng tâm cụ thể như: Duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo cáo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, điểm lại kết quả thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh 4 năm qua, có chỉ  số được cải thiện vượt bậc như tiếp cận điện năng, nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư... Nhưng, có những chỉ số gần như không thay đổi, đó là đăng ký kinh doanh, thực thi hợp đồng, phá sản doanh nghiệp và đăng ký sở hữu tài sản.

Đề cập điểm nhấn trọng tâm dự thảo Nghị quyết 19/2018, ông Cung cho biết, Chính phủ muốn tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh hơn với một số chỉ số còn thấp nhất là khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu tài sản, giao dịch qua biên giới, bãi bỏ cho được 1/2 số điều kiện kinh doanh và loại 20 - 30% số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục của Luật Đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, để đạt được hiệu quả thực sự trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa.

Phó Thủ tướng chỉ ra, Việt Nam vẫn ở mức nghèo với thu nhập đầu người vẫn khoảng 125 thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực (HDI) đứng thứ 120 thế giới…Theo Phó Thủ tướng trong cải thiện môi trường kinh doanh thì ngoài “trên nóng, dưới lạnh”, chúng ta còn tình trạng “nóng ấm không đều”. Cụ thể, trước đây, chỉ tập trung một số chỉ tiêu chính, do đó bộ ngành nào liên quan thì có sức ép, còn bộ ngành chưa liên quan thì chưa “nóng”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng là cơ cấu lại nền kinh tế. Quá trình hơn 30 năm đổi mới của nước ta bước đầu thu kết quả đáng khích lệ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện đáng kể nhưng còn chưa đồng đều ở các bộ, ngành, lĩnh vực. Tới đây, dứt điểm phải xử lý và đảm bảo sự cải thiện đạt mức độ đồng đều, bền vững./.

Hà Anh