Cách mạng tháng Tám ở Quảng Trị 

Hơn bảy thập kỷ đã trôi qua, đất nước ta đã trải qua bao chặng đường lịch sử hào hùng, nhưng những ngày Cách mạng Tháng Tám luôn luôn là dấu mốc không bao giờ quên trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Ngược dòng lịch sử, những năm tháng chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc cách mạng long trời, lở đất ấy, Quảng Trị chúng ta đã cùng với đất nước, sục sôi khí thế cách mạng và đầy niềm tự hào.

Từ cuối năm 1941 đầu năm 1942, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, thực dân pháp đàn áp rất dữ dội. Hầu hết cán bộ lãnh đạo cách mạng của tỉnh, huyện, phủ đều làn lượt bị bắt. Tuy vậy, cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng ở một số địa phương như Triệu Phong, Gio Linh, Cam lộ, Vĩnh Linh … vẫn được nhen nhóm xây dựng và củng cố. Trước tình hình khó khăn đó, Tỉnh ủy Quảng Trị liên tiếp mở nhiều hội nghị cán bộ để quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, tập trung đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng. Vì vậy, phong trào cách mạng vẫn luôn được duy trì và phát triển.

Sau khi xứ ủy lâm thời Trung kỳ được lập lại tại Gia Đẳng (Triệu Phong) tháng 9/1941, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, Tỉnh ủy chủ trương tiến hành thành lập các Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, nhờ vậy phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh có bước chuyển biến mới, khắp nơi tổ chức mít tinh kêu gọi toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật. Chỉ tính riêng hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh trong thời gian đó đã có gần 1000 đội viên tự vệ. Bằng mọi hình thức tuyên truyền, vận động, từ ngày 6/7/1942, Tỉnh ủy cho xuất bản tờ báo “Cờ giải phóng”- cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, nhằm tuyên truyền và hướng dẫn đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. 

Trước sự hoạt động sâu rộng của các tổ chức Đảng và các hội cứu quốc, bọn đế quốc và tay sai ở các phủ, huyện mở các cuộc đàn áp khủng bố dữ dội. Song, dù trong mọi thử thách, ý chí cách mạng kiên cường của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở Quảng Trị tiếp tục được tôi luyện và giữ vững. Điều đó không những giữ gìn, bảo vệ được uy tín, lực lượng của Đảng mà còn góp phần động viên cổ vũ cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú bám trụ hoạt động cách mạng, dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, tù tội để chắp nối lại cơ sở, lãnh đạo quần chúng chống lại mọi âm mưu thủ đoạn mới của kẻ thù.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Đến ngày 25/3/1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu chính trị phạm được trả tự do, tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Đảng bộ có thêm lực lượng. Trước tình hình trong nước có những chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức Đảng ở Quảng trị xúc tiến kiện toàn và đề ra phương hướng hoạt động. Lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo cốt cán được bổ sung. Các đồng chí đã nhanh chóng móc nối cơ sở, truyền đạt đường lối hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa.

Tháng 4/1945, tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh), Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập. Hội nghị quyết định tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ bản chất của giặc Nhật; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng đảng và quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Bùi Trung Lập làm Bí thư. Các ủy ban Việt Minh ra đời. Phong trào cách mạng trong tỉnh phục hồi và phát triển rầm rộ. 

Sau Hội nghị lần thứ hai của Tỉnh ủy lâm thời (tháng 6/1945), phong trào quần chúng dấy lên mạnh mẽ, nhiều cuộc mít tinh, hội họp của các hội cứu quốc được tổ chức để nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết, tố cáo tội ác của phát xít Nhật, vạch mặt chính phủ bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim, phát động phong trào toàn dân luyện tập quân sự, rèn đúc vũ khí, phát triển lực lượng quần chúng cách mạng. Không khí tiền khởi nghĩa khẩn trương và náo nhiệt, công tác chuẩn bị cho việc giành chính quyền được chuẩn bị đầy đủ. Ở nông thôn, một số nơi nông dân đã nổi dậy làm chủ. Địa vị của bọn tri phủ, tri huyện, hương ký, kỳ hào có nơi rệu rã.

Ngày 18/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại Phước Lễ (Triệu Phong). Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị, thảo luận sôi nổi về phong trào quần chúng, phân tích thái độ từng lực lượng đối lập, thống nhất những vấn đề còn tồn tại. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Hữu Dực truyền đạt lệnh khởi nghĩa của Trung ương. Trong không khí vô cùng háo hức, sôi động, Hội nghị quyết định trong tình thế nào cũng phải phát động quần chúng cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến gồm các đồng chí: Trần Hữu Dực, Đặng Thí, Hoàng Thị Ái, Lê Vụ, Nguyễn Hữu Khiếu.

Các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện đều tiến hành nhanh chóng. Các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đều giành chính quyền thắng lợi trong đêm 22/8, hoặc sáng 23/8. Thời cơ đã đến, 19 giờ ngày 22/8/1945, theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, 3 đại đội tự vệ vũ trang tiến vào thị xã Quảng Trị biểu tình tuần hành nhằm uy hiếp tinh thần địch, đồng thời thăm dò thái độ của chúng. 

1 giờ sáng ngày 23/8/1945, các đơn vị vũ trang đột nhập thị xã, chiếm lĩnh tất cả các vị trí, trận địa đã được phân công, các lực lượng biểu tình thị uy chính trị cũng từ các hướng Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc và Tây đều nhất tề trương băng cờ, khẩu hiệu... rầm rộ tiến vào thị xã Quảng Trị. Đồng thời, để ngăn chặn hoạt động phản ứng của địch, để uy hiếp và đè bẹp ý chí kháng cự của chúng, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Đến 4 giờ sáng, mọi lực lượng cách mạng đã vào hết trong thị xã, tập kết đúng nơi quy định. Tiếp đến các đơn vị chuyển sang tuần hành thị uy. Cả thị xã Quảng Trị lúc này là một biển người, với một rừng băng cờ, khẩu hiệu kéo đến từ các ngã đường với khí thế hùng dũng, hiên ngang. 

5 giờ sáng ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trèo lên tầng trên dinh tỉnh trưởng (tức Tòa công sứ Pháp) giật phăng lá cờ bù nhìn xuống, kéo lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Ở hành cung trong thành Dương Đậu, cờ cách mạng cũng được kéo lên, chấm dứt chế độ phong kiến, thực dân hàng ngàn năm đô hộ. 

Đến 9 giờ ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. 

Huyện Cam Lộ và thị trấn Đông Hà do còn nhiều quân Nhật đóng nên khởi nghĩa chậm lại một ngày, tức ngày 24/8/1945. Huyện Hướng Hóa- một huyện miền núi xa nhất, sau khi tỉnh lỵ, các phủ, huyện ở đồng bằng đã khởi nghĩa giành chính quyền xong thì chính quyền bù nhìn ở đây tự tan rã. Chính quyền cách mạng huyện Hướng Hóa được thành lập vào ngày 25/8/1945. 

Chúng ta tự hào với một địa bàn đầy khó khăn, phức tạp, lực lượng địch lại đông và mạnh, song, dưới đường lối Nghị quyết đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với tinh thần độc lập sáng tạo, tư tưởng quyết chiến quyết thắng cao, ý thức chấp hành mệnh lệnh cấp trên triệt để, kịp thời, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày.

 Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là cuộc cách mạng đổi đời của nhân dân ta sau 80 năm trời nô lệ. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Trị đứng lên làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh mình, để cùng cả nước gian khổ đấu tranh làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./

                                                                                                                                                                                           Từ Quang Hóa 

                                                                                      

 

 

3447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 639
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 639
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76741709