Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam 

(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích giúp các cấp, các ngành hiểu đúng, nắm chắc bản chất, cũng như có thể tận dụng thời cơ và vượt qua được thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích sâu hơn về ý nghĩa, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu những tác động có thể có của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới Việt Nam; làm rõ hơn những cơ hội, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức của cuộc Cách mạng này… Các đại biểu khẳng định, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này trong cán bộ, đảng viên, các nhà hoạch định chính sách… còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có những nghiên cứu sâu và hệ thống về bản chất, tác động cũng như thời cơ, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nêu lên những đặc điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược Quốc phòng chỉ rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi trong toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Đặc biệt, cuộc Cách mạng này tạo ra nền sản xuất và dịch vụ linh hoạt; tạo ra kỷ nguyên mới trong công nghệ robot. Dự báo, vào khoảng giữa thập kỷ thứ ba của thế kỷ này, 10% dân số sẽ mặc quần áo kết nối với internet, 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, phát triển. Cơ hội là rất lớn nhưng những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. “Thách thức từ chính nội tại quá trình phát triển và thách thức từ môi trường kinh tế xã hội quốc tế mà Việt Nam đang hội nhập”, PGS.TS Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích những đặc điểm, chỉ ra những khó khăn, thuận lợi, thách thức, các đại biểu đã đề xuất các biện pháp, kiến nghị với cơ quan chức năng nhằm sớm có kế hoạch, chương trình hành động, có chính sách, đặc biệt là chính sách công nghiệp, chính sách đào tạo, chính sách về khoa học – công nghệ và các chính sách khác nhằm chủ động và tích cực hưởng ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo - ảnh: HM

Nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hiện đại thì một trong những nội dung cần quan tâm đó là vấn đề cải cách, hoàn chỉnh lại nền giáo dục, đào tạo, xây dựng và phát triển các nguồn vốn kinh tế, vốn xã hội đã có. GS Đặng Quốc Bảo, Học viện Quản lý giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống giáo dục cần kiến tạo được một số loại tư duy, gồm: tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy kinh tế, tư duy chính trị... Trước sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc học tập là yêu cầu dành cho tất cả mọi người để tạo ra con người hành động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Các đại biểu cũng tập trung phân tích về một số nội dung như: đặc điểm và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; vấn đề quyền con người và an ninh quốc gia đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Hoàng Mẫn

921 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1312
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1313
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76701470