Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2018, các bộ, ngành đã nghiêm túc, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL từng bước được nâng cao; cơ quan thẩm định đã thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình các dự án, dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cũng đã tổ chức thẩm định 187 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn ngành đã thẩm định 3.529 dự thảo VBQPPL (giảm 32% so với cùng kỳ 2017), trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 380 dự thảo và 3.008 dự thảo do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định.

Đối với công tác kiểm tra VBQPPL, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 7.873 VBQPPL (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2017); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 205 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 166 văn bản so với cùng kỳ năm 2017).


Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TH)

 

Tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản (gồm 331 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.240  văn bản của địa phương); qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 23 văn bản của các bộ, 16 văn bản của địa phương); đến nay, có 16/39 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc….

Tuy nhiên, chất lượng hồ sơ, dự thảo một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu, phải rút ra khỏi Chương trình; việc đánh giá tác động của đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo còn mang tính hình thức. Việc định hướng dư luận trong công tác xây dựng một số dự án luật chưa tốt. Chưa chấm dứt được tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật  chưa cao…

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, nguyên nhân là do vai trò tham mưu của một số đơn vị, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương chưa được phát huy đầy đủ, nhất là trong công tác soạn thảo, thẩm định VBQPPL, chuẩn bị hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL trình cơ quan có thẩm quyền và khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.

Thêm vào đó, nhận thức, trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận công chức trong ngành còn hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi về tiến độ, chất lượng công việc...

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 .

“Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì chủ động thông tin tuyên truyền, tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động của chính sách để tạo đồng thuận”, Thứ trưởng cho hay.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, có hiệu lực; tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022…/.

Thu Hằng