Tích cực bảo vệ rừng trong mùa khô 

(QT) - Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra, các ngành chức năng, Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.

Tuyên truyền phòng chống cháy rừng cho người dân. Ảnh: N.T

 

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, các nhân viên của Trạm quản lý bảo vệ rừng và các tổ bảo vệ rừng Linh Thượng đã tăng cường các phương án phòng, chống cháy rừng. Trạm phân công trực gác 24/24 giờ tại các chòi canh, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát thực bì tại các khu rừng ở địa bàn phụ trách, nhất là những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện cũng như có phương án huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu khi phát hiện có đám cháy xảy ra.

 

Ông Hồ Xuân Hợp, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Linh Thượng, huyện Gio Linh cho biết: “Tổ bảo vệ rừng của trạm đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các tuyến đường vào rừng, cử người trực chòi canh 24/24 giờ. Mỗi khi gặp người dân vào rừng thì tổ tuyên truyền, nhắc nhở họ hết sức cẩn trọng khi dùng lửa, không để xảy ra cháy rừng. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, tổ luôn mang theo dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) để kịp thời ngăn ngừa cháy rừng nếu có xảy ra”.

 

Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải được giao quản lý hơn 23.300 ha rừng tự nhiên ở 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Với đặc thù rừng trải dài trên địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi khe suối, xa khu dân cư, trong lúc đó đội ngũ cán bộ, nhân viên chỉ có 20 người. Thấy rõ những khó khăn đó, để bảo vệ tốt diện tích rừng, nhất là không để cháy rừng xảy ra. Ban quản lý rừng đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người dân, đặc biệt là đã hợp đồng 200 người dân thành lập 8 tổ nhận khoán, bảo vệ rừng và đây cũng chính là lực lượng xung kích tại chỗ tham gia chữa cháy rừng. Mặt khác, trên cơ sở khảo sát thực tế, đơn vị đã xây dựng các phương án PCCR phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, trong đó quan trọng nhất vẫn là thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

 

Ông Văn Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức chỉ đạo kiểm tra các công trình, bảng biểu tuyên truyền về PCCCR và có sự chuẩn bị về mọi mặt để ứng phó nếu có cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các địa phương, các hạt kiểm lâm trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân ở ven rừng nâng cao ý thức sử dụng lửa khi vào rừng. Kiểm tra rà soát các phương tiện, lực lượng, đặc biệt xe chữa cháy để phục vụ tốt công tác PCCC rừng. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn là có rừng xa, địa hình phức tạp, ý thức của một số người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do đó việc triển khai đồng bộ các giải pháp PCCC rừng chu đáo, cụ thể thì mới đảm bảo không để xảy ra cháy rừng”.​

 

Ông Hoàng Duy Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết: “Theo dự báo, năm 2020 nắng nóng cao, nguy cơ cháy rừng lớn. Vì vậy ngay từ đầu năm, đơn vị chúng tôi đã xây dựng phương án PCCCR cũng như bảo vệ rừng; tổ chức triển khai cho lực lượng các trạm quản lý bảo vệ rừng, các tổ nhận khoán các phương án PCCCR để ngăn ngừa cháy rừng xảy ra. Ban cũng đã chỉ đạo tổ chức lực lượng trực chòi canh đảm bảo 24/24 giờ, theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn được giao quản lý. Ngoài ra, có các tổ thường xuyên kiểm tra trên những khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng để tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi vào rừng không dùng lửa để hạn chế cháy rừng xảy ra”.

 

Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, hiện đang quản lý hơn 7.997 ha rừng, trong đó rừng trồng phòng hộ khoảng 4.100 ha, còn lại là rừng tự nhiên phòng hộ. Diện tích rừng nằm trên địa bàn các xã Hải Lâm và Hải Sơn, huyện Hải Lăng; xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và đều ở địa hình chia cắt, xa khu dân cư, xa nguồn nước nên công tác PCCC rừng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết như hiện nay. Ngoài việc phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hợp đồng người dân nhận khoán, bảo vệ và chăm sóc cũng như ứng cứu khi xảy ra cháy rừng, đơn vị cũng đưa ra các phương án PCCC rừng phù hợp.

 

Tuy nhiên, từ thực tế công tác PCCC rừng những năm qua đang đặt ra không ít khó khăn. Ông Trần Xuân Dưỡng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết: “Đối với các ban quản lý hiện nay thì công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ và PCCC rừng vẫn chưa đủ. Về cơ sở hạ tầng như đường ranh cản lửa được nâng cấp hằng năm nhưng do tác động của thiên tai khiến đường bị xói lở dẫn đến xe chữa cháy cơ động gặp rất nhiều khó khăn, do đó trong quá trình PCCC rừng vẫn chưa đảm bảo”.

 

Hiện Quảng Trị có hơn 250.000 ha rừng các loại, trong đó có hơn 140.000 ha rừng tự nhiên, hơn 110.000 ha rừng trồng. Năm 2019, mặc dù đã tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp để PCCC nhưng do tình hình thời tiết khắc nghiệt trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 56 điểm cháy rừng. Trong đó, xảy ra 12 vụ cháy rừng trồng, diện tích rừng bị cháy gần 44,7 ha; giá trị thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng cháy rừng vẫn là do tác động của con người trong quá trình vào rừng. Đáng chú ý ở một số địa phương diện tích rừng nằm liền kề khu vực của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống dựa vào rừng và hạn chế trong nhận thức, do đó công tác PCCC rừng càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong công tác PCCC rừng hiện nay là phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ này ở hầu hết các đơn vị quản lý rừng, chủ rừng vẫn rất thiếu và thô sơ; nhân sự làm công tác bảo vệ rừng và chế độ, chính sách đi kèm chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ; việc bố trí nguồn vốn khoán bảo vệ rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ có lúc còn chậm trễ…

 

Ngày 13/3/2020, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn số 994/UBND-NN triển khai và tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCC rừng. Để chủ động trong công tác PCCC rừng, các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã, các chủ rừng, các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy rừng trong trường hợp xảy ra cháy lớn.

 

Ngọc Trang

291 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 690
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 690
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76764076